Yếu tố ảnh hưởng về nghề nuôi cá tại An Giang

Yếu tố về dịch bệnh là một trong những trở ngại nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển của nghề nuôi cá tại An Giang. Tỷ lệ cá hao hụt do dịch bệnh trong quá trình ương nuôi cá giống cá tra đạt 30%, trong quá trình nuôi cá thương phẩm từ 5 – 10% (Phan Văn Ninh và cộng tác viên, 1991). Theo báo cáo số: 06/CV/TS ngày 01/4/1997 của Công ty Thủy sản An Giang (AGIFISH), gần 100% bè cá thu hoạch trong cá tháng 2 và 3 năm 1997 đều có cá nhiễm bệnh với cường độ cảm nhiễm khác nhau. Cá nuôi bè nhiễm các loại bệnh như: phù đẩu xuất huyết, đốm trắng, nấm thủy mi,… ngày càng nhiều. Tại các cơ sở thu mua, cá bệnh thường bị hạ phẩm (cá dạt). Tỷ lệ cá dạt trong quá trình chế biến trung bình là 20%, có thời điểm lên tới 30% lượng cá thu mua. Trường hợp cá tra-basa cung ứng cho các cơ sở chế biến sản phẩm đông lạnh xuất khẩu, khi xẻ cá để philê nếu phát hiện những đốm đỏ tụ huyết trong thịt cá, tùy theo mức độ nghiêm trọng có thể bị loại hoặc trả lại toàn bộ nguyên liệu cho người nuôi.

Nhằm khắc phục tác hại của bệnh đối với nghể nuôi cá ở An Giang, ngành thủy sản đã phối hợp với nhiều cơ quan nghiên cứu ở trung ương và địa phương tiến hành nghiên cứu xác định tác nhân gây bệnh và đề xuất các biện pháp khắc phục. Kết quả các công trình nghiên cứu này đã từng bước được ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bệnh đặc biệt là bệnh xuất huyết trên vi và xoang miệng của cá tra-basa vẫn chưa được khắc phục triệt để và tiếp tục gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi cá tại An Giang. Vì vậy, việc nghiên cứu về bệnh cá nuôi, tìm hiểu tác nhân và xác định phương hướng phòng trị hữu hiệu là việc làm cần thiết và cấp bách nhằm góp phần ổn định và phát triển nghề nuôi cá ở An Giang.

 

Likes:
0 0
Views:
333
Article Categories:
Tư Vấn

Comments are closed.