Hoạt động sôi động của thị trường bất động sản không chính thức nằm ngoài sự kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước. Thêm vào đó là tình trạng đầu cơ ồ ạt vào đất đai, bất động sản làm cho một khối lượng lớn bất động sản bị găm giữ hoặc mua đi bán lại với mục đích đầu cơ, không được sử dụng vào mục đích phát triển sản xuất – kinh doanh và nâng cao đời sống dân cư. Đồng thời, việc sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng nhà cửa tràn lan, tùy tiện, trái quy hoạch, lấn chiếm khá phổ biến.
2.1.3.2. Gây hậu quả tiêu cực về mặt xã hội.
Biến động phức tạp của thị trường bất động sản, sự tăng vọt về giá cả, sự yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về bất động sản… đã tạo điều kiện cho một số cá nhân, tổ chức giàu lên một cách nhanh chóng. Trong khi đó, phần lớn nhân dân lao động, cán bộ công chức có thu nhập trung bình và thấp càng khó có điều kiện để cải thiện đời sống, gây phân hoá và bất bình đẳng trong xã hội. Bên cạnh đó, nhiều hiện tượng tiêu cực, tham nhũng nảy sinh như: giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền, tranh chấp, lấn chiếm, khiếu kiện, nhiều vụ án lớn liên quan đến đất đai, bất động sản đã xảy ra khá phổ biến.
2.1.3.3. Hạn chế trong việc huy động các nguồn lực tài chính.
Hầu hết các giao dịch về bất động sản đều diễn ra trên thị trường không chính thức và không đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước, cho nên Nhà nước đã mất một khoản thu lớn liên quan đến các giao dịch bất động sản. Theo thống kê của Tổng cục thuế, các khoản thu ngân sách có liên quan đến nhà, đất trong giai đoạn từ 1996 đến 2000 bình quân là 4.645 tỷ đồng/năm. Tỷ lệ này mới chiếm gần 30% các giao dịch, còn trên 70% các giao dịch không thực hiện nghĩa vụ thuế, tương đương với việc Nhà nước thất thu trên 10.383 tỷ đồng hàng năm. Không những thế, giá cả bất động sản liên tục tăng mạnh gây sức ép đối với chi ngân sách trong việc chi đền bù giải phóng mặt bằng, chi hỗ trợ các đối tượng chính sách, đối tượng có thu nhập thấp thuê hoặc mua nhà ở.
Mặt khác, hầu hết các bất động sản không có đầy đủ thủ tục pháp lý để giao dịch trên thị trường chính thức, do đó, nguồn lực to lớn về bất động sản khó có thể chuyển hoá thành tài sản tài chính để huy động các nguồn lực tài chính đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh như: thế chấp vay vốn ngân hàng, góp vốn liên doanh…
2.1.3.4. Giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hiện nay, lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư rất lớn. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, nếu lượng tiền này được huy động tập trung đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới thiết bị công nghệ của nền kinh tế thông qua các kênh huy động trên thị trường tài chính sẽ góp phần đáng kể nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, do những biến động phức tạp trên thị trường bất động sản, giá bất động sản liên tục tăng cao, tạo nên kỳ vọng siêu lợi nhuận nên một lượng lớn tiền nhàn rỗi trong dân cư đầu tư vào bất động sản thay vì đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Cũng do giá bất động sản tăng cao một cách phi lý do hoạt động đầu cơ, tăng chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh, gây tác động tiêu cực không nhỏ đến sức cạnh tranh của nền kinh tế.